Nokia XL đặt chân tới giới hạn mà dòng điện thoại Asha trước đây chưa bao giờ dám thử: kích thước màn hình 5-inch. Dòng điện thoại Nokia X chính là một phần mở rộng của những điện thoại cảm ứng Asha, nhưng lại sử dụng một phần mềm dựa trên dự án Mã nguồn mở Android. Về cơ bản, đó vẫn là Android nhưng không hề có một sự xuất hiện nào của các thành phần Google. Hệ điều hành được thiết kế để tương thích với những thiết bị có màn hình lớn hơn, độ phân giải cao hơn, và cấu hình mạnh mẽ hơn.
Sự dễ dàng trong việc tùy biến cũng cho phép Nokia tạo ra một trải nghiệm riêng biệt với việc kết hợp những dịch vụ của Nokia và Microsoft mà hiếm khi chúng ta được thấy trên một thiết bị Android.
Thiết kế
Nokia XL có kích thước 141,4 x 77,7 x 10,9 mm, to hơn hầu hết các mẫu điện thoại màn hình 5-inch. Nó dài hơn 1 inch và rộng hơn 1,5 inch so với phiên bản Nokia X 4-inch, thế nhưng sự khác biệt 1-inch trong kích thước màn hình không tạo ra nhiều khác biệt như vậy, có nghĩa Nokia XL có khung viền bao quanh màn hình dày hơn. Trọng lượng 190 gam cũng là một vấn đề lớn, bởi chiếc Samsung Galaxy Note 3 5.7-inch cũng chỉ nặng có 168 gam.
Mặc dù không thể thay thế được Lumia 520 và Asha 501, Nokia XL vẫn sử dụng phong cách thiết kế từ cả 2 điện thoại trên, bao gồm trong cả phần cứng và phần mềm. Đường viền khung máy bao quanh màn hình dày hơn một chiếc điện thoại 5-inch điển hình.
Tương tự như những điện thoại thông minh hiện nay, mặt trước của Nokia XL là một bề mặt bằng kính màu đen, phẳng nhẵn, được bao bọc bởi một vỏ máy sử dụng chất liệu polycarbonate nhiều màu sắc. Nó có duy nhất một nút bấm cảm ứng bên dưới màn hình tương tự những điện thoại Nokia Asha trước đây. Mức độ tùy biến phần mềm cao đến mức bạn thực sự không cần thêm các nút bấm khác để thực hiện tác vụ.
Bên trên màn hình là một máy ảnh có độ phân giải 2 megapixel (cả Nokia X và Nokia X+ đều bỏ qua chức năng này). Cạnh máy ảnh cũng là loa thoại, cảm biến khoảng cách và cảm biến ánh sáng.
Màn hình sử dụng công nghệ Glance Screen, tương tự như dòng điện thoại Lumia, đảm bảo cho màn hình hiển thị ở mức tiêu thụ năng lượng thấp nhất.
Bề mặt lưng điện thoại tạo ra cảm giác cầm rất thỏa mái. Nó sử dụng chất liệu cao cấp hơn cả nhựa cứng thông thường, đồng thời vỏ máy có thể thay đổi được sang nhiều màu sắc đa dạng: cam, xanh lá cây, xanh dương, vàng, đen và trắng. Ở lưng máy, bạn sẽ thấy một máy ảnh 5 megapixel tự động lấy nét, đi kèm một đèn flash trên nó. Đây là một nâng cấp tương đối khá so với Nokia X và Nokia X+ (cả 2 chỉ sử dụng máy ảnh 3,15 megapixel tiêu cự cố định và không có đèn flash). Tuy nhiên, khả năng quay phim vẫn bị giới hạn ở 480p @ 30 fps.
Nằm bên dưới lớp vỏ là một cục pin có dung lượng 2000 mAh tương đối bé nếu so với kích thước đồ sộ của Nokia XL. Cùng với nó, các khe cắm thẻ microSIM và khe cắm thẻ nhớ microSD cũng bên dưới nắp lưng.
Những cách bố trí trên các cạnh của điện thoại cũng rất thống nhất giữa các thiết bị. Nokia XL dual có một giắc cắm âm thanh ở trên đỉnh máy, cổng kết nối microUSB ở dưới đáy. Nút điều chỉnh âm lượng và nút nguồn đều nằm ở cạnh phải. Nút nguồn nằm tương đối thấp nên người dùng sẽ dễ chạm vào bằng ngón tay cái.
Màn hình hiển thị
Nokia XL sở hữu một màn hình cảm ứng LCD IPS có kích thước 5-inch, độ phân giải WVGA (480 x 800 pixel), nhưng mật độ điểm ảnh chỉ là 187 ppi. Ở mức giá bán của nó, bạn không thể trông đợi quá nhiều, nhưng trên thị trường có chiếcMotorola Moto G cùng giá bán nhưng có độ phân giải màn hình là 720p.
Không chỉ vậy, Nokia XL không được sử dụng công nghệ Nokia ClearBlack, chính vì thế màn hình của máy có độ phản chiếu tương đối cao, làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới trải nghiệm sử dụng dưới ánh sáng mặt trời.
Thế nhưng màn hình lớn cũng có lợi thế khi lướt web, bởi nó hiển thị các trang web tốt hơn và không phải zoom vào liên tục. Mật độ điểm ảnh thấp khiến cho các chữ viết nhỏ trông khá mờ, đồng thời một số phông chữ hiển thị không được tốt.
Thời gian sử dụng pin
Nokia XL không được tích hợp một màn hình sắc nét hay một vi xử lý ấn tượng, nhưng lợi thế của nó nằm ở thời lượng pin rất tốt. Mặc dù cục pin chỉ có dung lượng 2000 mAh, Nokia XL vẫn đạt tới thời gian sử dụng là 62 giờ. Thời gian gọi điện đạt tới gần 11 tiếng, mặc dù vẫn có một thiết bị vượt qua được, HTC Desire 600 Dual. Thời gian lướt web cũng rất ấn tượng, lên tới 12 tiếng cho mỗi lần sạc pin.
Hệ điều hành Android độc nhất vô nhị
Windows Phone đã khiến cho Nokia từ bỏ công cuộc phát triển hệ điều hành Symbian đầy tiềm năng. Series 40 đã trở thành quá khứ xa xôi, tụt hậu quá xa so với các đổi thủ. Đây là những lý do mà Nokia trông đợi vào Android, hệ điều hành được xây dựng chỉnh chu, hỗ trợ nhà phát triển tốt hơn và hoàn toàn mở. Kết quả là một phần mềm tùy biến kết hợp tất cả các ý tưởng từ Asha UI, Windows Phone và Android.
Nokia cũng tích hợp công nghệ Glance Screen vào hệ điều hành mới này, nó giữ cho màn hình ở mức tiêu thụ năng lượng thấp hơn, nên có thể hiển thị thời gian và các thông báo. Ấn nhanh 2 lần lên màn hình cũng tương tự như việc ấn vào nút nguồn. Nó hiển thị một giao diện màn hình khóa đơn giản và đầy đủ chức năng, cộng với những thông báo hiển thị theo dạng widget. Nếu bạn vuốt tay sang trái, thông báo tự động biến mất, còn nếu vuốt sang phải thì bạn sẽ được đưa đến ứng dụng có thông báo tương ứng.
Giao diện màn hình chính chỉ có 2 trang duy nhất: danh mục ứng dụng và danh sách vuốt dọc. Danh mục ứng dụng trông giống như trang chủ của Windows Phone, các biểu tượng ứng dụng đều có thiết kế theo dạng Ô vuông động, giao diện phẳng. Tất cả chúng đều có thể được thay đổi kích thước, đồng thời bạn còn có thể thay đổi màu sắc cơ bản của mỗi ô vuông. Điều khác biệt nằm ở chỗ không có ô vuông nào là động trên thực tế do có những giới hạn trong phần cứng của các thiết bị.
Trang chủ này sẽ hiển thị tất cả các ứng dụng mà bạn đã cài trên máy, nên nó sẽ kéo ra rất dài nếu như bạn lười sắp xếp lại các shortcut trong thư mục. Có một thanh Tìm kiếm nằm bên trên cùng của trang chủ để giúp người dùng tìm kiếm một shortcut hoặc widget.
Những widget Android tiêu chuẩn cũng được hỗ trợ, đồng thời các ứng dụng đi kèm widget riêng cũng sẽ hiển thị trong cả menu widget. Chúng tôi đề xuất bạn không để quá nhiều widget bởi chúng có thể làm ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống. Một trong số những điểm yếu của các widget là chúng đều được thiết kế theo phong cách của Android, chứ không phải Windows Phone.
Các widget với giao diện phẳng
Vuốt tay theo phương ngang từ danh mục ứng dụng sẽ đưa bạn tới một trang chủ có tên gọi là "Fastlane". Nó theo dõi mọi hoạt động gần đây của bạn, bao gồm: các ứng dụng đã mở, những trang web vừa mới truy cập, cùng với các contact mà bạn vừa gọi, các tin nhắn, email, lịch trình, các nội dung được chia sẻ, các ghi chú. Ứng dụng chơi nhạc và ứng dụng đài FM nếu được mở cũng sẽ xuất hiện tại đây.
"Fastlane" về cơ bản là một hỗn hợp giữa một công cụ chuyển đổi ứng dụng, khu vực thông báo và một danh sách lịch sử. Nó có thể được tùy biến từ bên trong menu Settings trong trường hợp số lượng nội dung thông báo quá nhiều.
Giao diện hệ điều hành còn có một vùng thông báo riêng biệt, mà bạn có thể kéo xuống từ thanh trạng thái. Nó hiển thị những thông báo về các sự kiện nhỡ và các nút kích hoạt nhanh tính năng kết nối, âm thanh. Phần mềm Nokia X 1.0.1 được xây dựng dựa trên nền tảng Android 4.1 Jelly Bean. Phần lõi của Android không thay đổi và đã cũ.
Hiệu năng
Nokia XL được trang bị một vi xử lý lõi kép, nhưng nó mạnh hơn hẳn thực tế suy đoán. Vi xử lý Qualcomm MSM8225 Snapdragon S4 Play là phiên bản đời củ của Snapdragon vứi 2 lõi Cortex-A5 tốc độ 1GHz và Adreno 203 GPU. Nokia XL có dung lượng bộ hớ RAM là 768MB, nhiều hơn Nokia X và một số điện thoại Android tầm thấp.
Nhìn chung, Nokia XL vẫn có đủ hiệu năng để xử lý các tác vụ Android. Và đừng quên rằng đây là Android 4.1. Nhờ vậy mà Nokia XL hoạt động tốt ngay cả khi lướt web và chơi game.
Chức năng chụp ảnh
Nokia XL được trang bị một máy ảnh 5 megapixel với khả năng tự động lấy nét, nó còn đi kèm cả một đèn flash. Nokia XL cũng là chiếc điện thoại duy nhất trong bộ 3 điện thoại Nokia X được trang bị máy ảnh phía trước 2 megapixel.
Giao diện ứng dụng chụp ảnh đơn giản và có nhiều tùy chọn hay được sử dụng: bật đèn flash, cân bằng trắng, độ phơi sáng. Từ trong menu bạn cũng có thể chọn thêm nhiều thiết lập cao cấp khác như ISO, độ sắc nét, độ bão hòa, giảm nhiễu. Nokia XL cũng hỗ trợ tag ảnh địa lý, nhận diện khuôn mặt và các hiệu ứng màu sắc.
Theo GSMArena